Saturday, September 16, 2017

ĐÊM TÀN BẾN NGỰ

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và câu chuyện “Đêm tàn bến ngự”

Trong làng âm nhạc Việt Nam, những cô gái xứ Huế từng là nguồn cảm hứng cho không biết bao nhạc phẩm ra đời. Như trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, ngoài nhạc phẩm “Chiều trên phá Tam Giang”, còn lại gần như không hề có một danh từ nào chỉ địa danh Huế. Ấy nhưng người ta vẫn nhận ra Huế bàng bạc trong ca từ của ông. Và nữa, thật nhiều những bóng hồng xứ Huế, ví như thật mơ hồ “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi”, và có khi thật rõ ràng không trộn lẫn với “Diễm xưa” huyền thoại… Có một câu chuyện khác ít người biết, nàng “Thu Hương” của Huế những năm 1940 đã khiến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác bài tình ca đầu tiên “Hương giang dạ khúc” theo phong cách dân ca Huế. Đó là một ca khúc hiếm hoi nhạc sĩ lừng danh này viết về miền sông Hương núi Ngự…


Lạ lùng thay, cũng trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (sinh năm 1915, quê Hà Đông, Hà Nội) có một chuyến rời Hà Nội đến Huế rồi vào Sài Gòn; để rồi từ Huế, âm nhạc Dương Thiệu Tước được chắp cánh bởi lời ca của một người con gái Huế, ca sĩ Minh Trang.

Huế ngày ấy ắp đầy màu tím biếc thành quách cổ kính rêu phong, lưu dấu bao tình. Sông Hương ngày ấy, bãng lãng mây chiều với những con đò như chiếc lá chầm chậm trôi giữa lau lách ven sông và những bóng cây cổ thụ ven bờ. Sông Hương ngày ấy, vầng trăng như mắt người thương xa vắng u hoài, buồn đến trĩu lòng như câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu” (Một mảnh trăng trên sông Hương, xưa nay gợi biết bao mối sầu)… Khung cảnh Huế đầy mộng mơ, khiến tâm hồn lãng tử của Dương Thiệu Tước như dây đàn tơ rung trước gió, những giai điệu như chỉ cần một bàn tay mềm mảnh mai chạm tới, sẽ trào ra con sóng trên sông Hương.

Vợ chồng Dương Thiệu Tước - Minh Trang
Huế vào cuối thế kỷ 19, người ta biết nhiều đến Bà Chúa Nhứt là chị ruột vua Thành Thái. Bà là người dòng dõi song tính tình rất nghệ sĩ, không câu nệ, nuôi hẳn cả một ban nhạc trong nhà. Bà Chúa Nhứt chính là bà ngoại của ca sĩ Minh Trang. Do cha thường đi kinh lý xa nhà, Minh Trang thường được gần gũi với bà ngoại và từ nhỏ đã thuộc nhiều làn điệu dân ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, Kìm Tiền, Lưu Thủy… Những năm 40, tiếng hát của Minh Trang phát trên sóng phát thanh hay đến nổi nhiều nhạc sĩ miền Bắc hồi đó đã gửi bài hát về nhờ ca sĩ hát, trong đó có các nhạc sĩ Vũ Thành, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Khánh, Thẩm Oánh… và cả Dương Thiệu Tước. Rồi như duyên tiền định, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước bất ngờ gặp ca sĩ Minh Trang trong một lần ca sỹ ra Hà Nội hát, mở ra một kết cục có hậu sau này cho cuộc tình nghệ sĩ.

Quay trở lại thời gian dừng chân ở Huế, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sưu tầm và ký âm rất nhiều làn điệu dân ca Huế. Cũng trong thời gian này, Dương Thiệu Tước đã có những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân tộc, trong đó có cả nhạc phẩm “Tiếng Xưa”, mở đầu cho nhiều ca khúc mang âm hưởng dân tộc sau này. Sau những ngày lênh đênh trên sông Huế, Dương Thiệu Tước quyết định rời Cố đô vào Sài Gòn sinh sống.


Trước ngày lên đường, Dương Thiệu Tước được bạn bè tổ chức nhiều cuộc rượu tiễn đưa. Đêm cuối cùng rời Huế, chiếu rượu giang hà ngập sương trăng được một người bạn bày ra trong một con thuyền trôi trên sông Bến Ngự. Cho đến khi vầng trăng hạ tuần lên đầu non về sáng, Dương Thiệu Tước chợt nhiên đứng dậy, ra đầu mũi thuyền ngồi một mình, mắt suy tư nhìn ra cửa sông mơ hồ bãng lãng. Nhạc hứng bỗng từ đâu giữa trời đầy trăng sao sông nước dâng lên, Dương Thiệu Tước vội vàng lấy giấy ra ghi lại ngay bên mạn thuyền. Nhạc sĩ viết một mạch xong ca khúc, trở vào khoang thuyền đặt bài hát vừa hình thành dưới ngọn đèn dầu và cất tiếng ca tặng bạn. Những người tham dự cuộc rượu tiễn đưa lòng ai nấy đều nao nao trong ánh trăng sáng ven trời. Dương Thiệu Tước hát xong liền đặt tên cho sáng tác mới này là “Đêm tàn Bến Ngự”.

Với người Huế ly hương thì bài hát này khiến họ phải tê buốt lòng, mong ngóng về cố xứ. Nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét: “Dương Thiệu Tước ít khi chịu rời khỏi lĩnh vực nhạc tình tứ và cao sang đặc biệt của ông. Về sau, khi nhạc dân ca được coi như phản ánh đúng tâm hồn dân tộc, Dương Thiệu Tước quay hẳn về nhạc ngũ cung để cống hiến những bài hát bất hủ như “Tiếng xưa”, “Đêm tàn Bến Ngự”… Năm 1960, khi viết về Dương Thiệu Tước trong cuốn “Nhạc sĩ danh tiếng hiện đại”, nhạc sỹ Lê Hoàng Long đã xếp “Đêm tàn Bến Ngự” là nhạc phẩm có giá trị vĩnh cửu hay nhất của Dương Thiệu Tước.


Ngày 1/8/1995, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vĩnh viễn ra đi, để lại cho âm nhạc Việt Nam những ca khúc bất hủ: “Ai về Bến Ngự, cho ta nhắn cùng… Nhớ chăng…”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi đến viếng ông đã viết: “Anh đã sống một cuộc đời thầm lặng và muốn lãng quên cuộc đời bằng cách xa lìa mọi hệ lụy của cuộc sống này để cưu mang một tình riêng dù đời có hiểu hay không. Anh sống như vậy cũng có một màu sắc riêng biệt của đời anh…”.
THANH NGỌC

Nguồn: Thừa Thiên Huế Online




Be First to Post Comment !
Post a Comment

Custom Post Signature

Custom Post  Signature