Wednesday, September 27, 2017

TẢN MẠN RAU NHÀ QUÊ

Chẳng dám khái quát văn hóa hay nói đến những điều to tát về việc ăn rau (và phải là rau non) của người Việt, người viết chỉ đơn thuần ghi lại cảm nhận của mình. Qua đó, thấy thấp thoáng nét văn hóa miệt quê

Nhớ căn nhà hồi nhỏ ở quê, sao mà ăn rau trái thoải mái, không phải mua, càng không phải lo lắng về thuốc men gì cả! Ở nhà quê chẳng bao giờ đổ rác, mỗi nhà đào một cái hố, hất rác xuống đó, lâu lâu đốt một lần. Tôi nhớ có lần không hiểu sao bố tôi bỏ cái hố rác cũ, ông đào một cái hố mới sau nhà. Cả nhà chẳng để ý gì cho đến lúc hai chị em tôi chơi trốn tìm, vừa vén mớ cỏ lau, tính ngồi thụp xuống hố rác cũ thì đứa em la làng lên. Tôi chạy tới, và đập vào mắt tôi là một cảnh tượng hết sức bất ngờ: cuộn đầy dưới hố rác là rất nhiều đọt bí rợ, khoảng 5,6 trái bí còn xanh nằm như mấy chú heo con mũm mĩm, bông bí thì vàng ươm, cả bông đực lẫn bông cái. Hôm đó, tôi hái được cả rổ bông, hôm sau mẹ còn hái đọt bí xào tỏi. Bố giải thích là do mẹ bỏ ruột bí cũ xuống hố, trúng trái bí già nên mọc lên thành cây. Với cái "hầm bí" ấy mà nhà tôi nhiều lần được thưởng thức món bí ngon ngọt.



Món hiếm ở phố


Ở thành phố chắc khó ai được thưởng thức món đọt bí đao xào, loại có trái bí non xào kèm ăn vừa giòn vừa ngọt. Món này hiếm lắm! Vì trái bí ấy để nuôi là thành một trái bí lớn, bán bằng tiền cả mớ đọt. Thật ra, một cây nhiều trái quá cũng chậm lớn, bứt bớt cho cây khỏe nhưng không phải ai cũng có cái may được thưởng thức của hiếm này. "Người thành phố" có tự hào đến mấy về đời sống vật chất thì vẫn thua "người nhà quê" từ mớ rau, con cá. Ở nhà quê tôi còn biết món này, bảo đảm thành phố khó kiếm lắm! Đó là món bánh xèo tép mộng dừa. Gần nhà tôi là một nhánh sông nhỏ, bố tôi làm cái giậm bắt tép. Thả xuống, kéo lên, thế nào cũng có mấy chú tép trứng xanh lè nhảy lách tách trong đó! Chừng một buổi là được lưng tô tép. Bột bánh xèo ra bà Ba xay cối đá đầu ngõ.



Kế bên nhà tôi là vựa dừa khô ông Sáu. Chiều chiều, con nít ra cầu tàu coi thảy dừa từ ghe lên bờ như coi xiếc. Mộng dừa chính là mầm của cây dừa, mọc trong trái dừa khô già. Mộng non trắng đục ăn ngọt lịm, mộng càng già lớn càng bốp xốp và trở màu vàng. Muốn có bánh xèo mộng dừa phải liên hệ ông Sáu, ông kiếm cho mấy trái dừa già, lấy cái mộng ra xắt mỏng đổ bánh xèo tép, ngon ơi là ngon! Vậy chứ ăn nhiều mộng dừa cũng say mòng mòng nhé! Ăn sơ sơ chơi thôi! Có lần, bố tôi có khách đến chơi, mẹ mua mớ cá he về kho lạt, kho nước dừa cho xương xẩu mềm rục hết rồi chấm kèm mớ rau ghém tự chế: đọt xoài, mộng dừa xắt mỏng, hoa chuối, lá đinh lăng, bông khế với mớ rau thơm quơ quào sau vườn, vậy mà bạn bố cứ khen ngon nức nở.


Đói ăn rau

Với ông bà ta xưa, câu "đói ăn rau, đau uống thuốc" dường như cũng chẳng trúng mấy! Tôi nhớ tam phen tứ bận mấy chị em tôi bị đè ra chữa bệnh bằng các loại cây cỏ. Có lần, mấy chị em tôi bị bệnh ho gà, không biết nghe sao mà mẹ tôi suốt ngày đi kiếm rễ tranh về nấu nước uống, may mà thứ ấy cho chút đường vào cũng ngọt và thơm nên không đến nỗi. Còn đứa nào vô phúc nổi lên một cục mụn đinh trên đầu, thế nào cũng bị giã lá cỏ mực đắp lên. Cái cây cỏ mực nhỏ xíu, lá xanh, bông trắng mà sao giã ra thì đen thui. Đau vì nổi mụn thì ít mà xấu hổ vì xanh lè thì nhiều!


Tôi nhớ lúc còn nhỏ thường đi theo cậu vô rừng bắn chim, lúc về thế nào cũng hái cho ngoại một ôm rau sâm đất và cây tàu bay. Cây tàu bay lá xanh như rau thơm, dày dày, mùi hăng hắc, tôi không thể nào ăn được. Nhưng cũng như cái đắng của khổ qua, cái thơm của sầu riêng, người nào mê thì ghiền. Cây sâm đất mọc đầy ở các vùng ven rừng, hơi ẩm, có những vạt đất đầy hoa sâm, nhìn rất đẹp. Rau sâm đất luộc hay nấu canh tôm thịt đều ngon. Luộc chấm nước cá kho là trôi cơm lắm!


Sống ở thành phố, tôi quen rau muống, rau cải, xà lách... Một ngày, bỗng dưng bố mất, tôi về quê mua miếng đất nhỏ, cất nhà gần mộ ông. Xung quanh chẳng làm gì, cỏ dại mọc chen mấy thứ cây dại. Đắng lòng, tôi cũng chẳng để ý xung quanh. Mùa mưa thứ hai, tôi như thoát ra khỏi nỗi đau lòng mình. Về thăm mộ bố, tôi chợt giật mình nhận ra thiên nhiên ưu đãi, bỗng nhớ rằng "mình đang ở quê!". Vạt đất nhà tôi mọc đầy lá lốt. Buổi sáng, người hàng xóm bước qua xin vài cây sả, tôi chợt thấy quanh vườn nhà mình, từng bụi sả xanh um. Cây lạc tiên, thứ rau bài thuốc bán mấy chục ngàn một kg ở siêu thị - mọc leo đầy trên dây kẽm quanh nhà. Đọt non lên xanh mướt. Trái lạc tiên chín vàng ăn ngon ngọt, hột lại giòn giòn thơm như trái dưa tây. Kế bên nhà tôi có miếng ruộng nhỏ, lúc cất nhà, tôi quăng mấy tấm lá dừa khô xuống đó. Mùa mưa đến, nước dâng lên lúc nào chẳng hay. Đứa em lội xuống kéo tấm lá dừa ra, bỗng ồ reo lên như ngày xưa thấy bí mọc đầy hố rác: dưới tấm lá dừa cơ man nào là cua, ốc và cá lóc con. Tôi nhớ bố, nước mắt dâng trào. Bắt một thùng cua, tôi tính ra chợ mua ít rau nấu canh. Mẹ cười bảo "ở quê mà mua rau gì?". Hái mấy đọt lạc tiên, vài cọng rau dền, ít rau muống trên mặt ao, vậy thôi là có một nồi canh cua tập tàng ngon ngọt. Mưa như một bà tiên, dùng chiếc đũa thần quét qua vùng đất hoang làm mọi vật thay đổi hẳn. Tối đó, nhà tôi có món ốc hấp lá ổi và sả ớt.


Tôi đi dạo trên con đường quê, thấy lòng nhẹ như tênh. Tôi thấy mình vẫn sống ở quê với bố như những ngày thơ. Hai bên đường, nhà ai cũng có một hàng rào rau: đậu đũa lúc nào cũng ra một cặp; đậu rồng hoa tím, trái xanh nhìn rất dễ thương; mồng tơi trái nhỏ li ti, hồng hồng tím tím; sau vườn là dăm cây ớt, vài bụi bạc hà... Tôi nhớ bố nói "người nhà quê trồng rau ngay hàng rào là để chia sẻ, hàng xóm cần cứ qua bẻ về ăn" nếu thế thì "người thành phố" còn lâu mới theo kịp người quê bố nhỉ!

Khánh Vân
Theo Món Ngon Việt Nam


Be First to Post Comment !
Post a Comment

Custom Post Signature

Custom Post  Signature