Thursday, September 7, 2017

TẮC RÁNG & VỎ LÃI CÓ TỪ ĐÂU?


Xuôi theo sông nước, kinh rạch phương nam, bạn thường đi trên một chiếc xuồng dài, mình ốm, gắn máy đuôi tôm phía sau, mũi vác lên. Người phương nam gọi đó là chiếc vỏ lãi.

Vỏ lãi ngày nay có thể đóng bằng gỗ sao, bằng nhựa composite. Người phương nam thấy sao, nói vậy. Nó có thân hình dài như... con lãi nên gọi là võ lãi. Gọi là vỏ bởi vì người phương nam muốn phân biệt vỏ với ruột. Ruột ở đây chính là chiếc máy đuôi tôm chạy bằng xăng, sản xuất từ Nhật Bản hoặc từ Đức. Công suất của chiếc máy hai ngựa, ba ngựa hay bốn ngựa (CV) quyết định độ lướt nhanh trên nước của chiếc vỏ lãi kia. 




Nam bộ là một vùng đất có nhiều sông, kinh, rạch. Chỉ một tỉnh Cà Mau thôi mà đã có 14 con sông lớn, hàng ngàn kinh rạch chằng chịt giao nhau. Trước năm 1960, sông nước kinh rạch phương nam chỉ có ghe, ghe bầu, xuồng ba lá; tất cả đều được chèo hoặc bơi dầm, bằng tay.

Ghe, ghe bầu, xuồng ba lá thường được đóng bằng gỗ sao - một loại gỗ chịu đựng được tác động của không khí, ánh nắng và nước lâu dài. Để tăng thêm độ chịu đựng của các loại phương tiện này, bà con phải dùng đến loại chỉ đay (bố) tẩm dầu rái cặn để trét vào các khe hở giữa hai miếng gỗ; dùng dầu rái nước để phủ lớp “áo” cho gỗ tốt hơn.

Để di chuyển dễ dàng trong kinh rạch nhỏ, bà con đóng xuồng ba lá. Như tên gọi, xuồng ba lá chỉ cần ba miếng gỗ, một miếng làm lườn, hai miếng làm be hai bên. Tuy nhiên, đôi khi gặp gỗ nhỏ, bà con phải lắp hai miếng mới ra cái lườn xuồng nhưng vẫn giữ tên gọi của nó là xuồng ba lá.



Về sau này, gỗ sao trở thành quý hiếm, giá cao, bà con dùng gỗ... xoài đóng xuồng. Gỗ xoài mềm, dễ uốn ép nhưng không chịu đựng lâu dài được. Chiếc xuồng đóng bằng gỗ xoài gọi là xuồng năm quăng. Năm quăng có nghĩa là xài một năm rồi... quăng nó đi để làm củi chụm lửa. Nói là nói vậy, người nghèo vẫn có cách bảo dưỡng chiếc xuồng. Làm công việc xong, bà con nhận xuồng xuống nước, khi nào cần đi mới kéo lên tát nước dùng lại. Nhờ vậy, có những chiếc xuồng năm quăng lại xài được đến ba năm!

Từ năm 1960, chiếc máy nổ hiệu Kohler của Đức có mặt trên thị trường phía nam. Chiếc máy này là đồ dùng chủ yếu để... bơm nước. Nhận thấy chiếc máy nhỏ gọn, cơ động, lại chẳng uống xăng bao nhiêu, bà con mua máy về, đặt thợ cơ khí “độ” thêm một cây láp và một chân có ba cái... đuôi tôm gắn vào sau xuồng. Xuồng được đuôi tôm đẩy đi, chạy nhanh hơn rất nhiều so với chèo tay hay bơi dầm. Từ đó, Nam bộ có chiếc xuồng đuôi tôm chạy dọc ngang khắp kinh rạch.

Những năm 1965, máy nổ công suất lớn 10 CV, 20 CV của Nhật Bản thâm nhập thị trường phía nam. Bà con mua loại máy này, “độ” thêm chiếc chân vịt (lớn hơn đuôi tôm) để chạy ghe chở khách, ghe bầu, ghe lườn. Người thợ cơ khí phương nam lại có dịp phát huy nhiều sáng kiến cải tiến đuôi tôm, chân vịt cho ngày càng tốt hơn. Chiếc xuồng nhỏ truyền thống tạm thời lui vào vùng sâu vùng xa, giúp bà con nghèo thăm đồng, đánh bắt thủy sản trên ruộng, hái rau, gặt lúa; nhường sông rạch lại cho ghe xuồng gắn máy xuôi ngược. 



Cũng năm 1960, ông Tiêu Văn Sum - một nông dân ở Kiên Giang, bỏ công nghiên cứu chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm của bà con mình. Ông nhận thấy lườn xuồng còn quá rộng, mũi xuồng còn thấp nên khi chạy, bị sức nước cản lại khá nhiều. Ông bèn cải tiến cho thân xuồng nhỏ lại, mũi hẹp lại và vát lên cao hơn, dùng sơn sơn dưới lườn xuồng để tạo độ trượt trên mặt nước. Kết quả thật khả quan: xuồng cải tiến chạy nhanh hơn loại xuồng gắn máy đuôi tôm có cùng công suất, lại có thể vượt qua khỏi... bờ đất nhanh như một con cá nhảy mà người ngồi trong xuồng vẫn bình an vô sự. Ông gọi chiếc xuống cải tiến của mình là vỏ Tắc Ráng. Tắc Ráng là danh từ riêng, chỉ một xóm nhỏ nơi ông đóng chiếc xuồng mới này.

Các nhà đóng xuồng ở Kiên Giang và các tỉnh học theo cách làm của ông Sum, đóng ra chiếc tắc ráng. Sau này, công nghệ composite ra đời, người ta thay vỏ gỗ bằng vỏ composite. Tắc ráng composite nhanh như con cá chạch, trở thành phương tiện giao thông có màu sắc bắt mắt, hiện đại hơn.


Bà con Nam bộ nhận ra một điều: Hễ thân vỏ càng ốm thì vỏ vượt trên nước càng nhanh. Vả chăng sông rạch chằng chịt nên có nhiều khúc cua quẹo gấp. Bà con cải tiến cho thân vỏ ốm thêm nữa, chỉ đủ ngồi mỗi ghế một người. Hễ ốm thêm thì chiều dài của vỏ lại càng dài. Chiếc vỏ mới chú trọng sự cân đối, lướt nhanh trên sông nước, kinh rạch; khéo léo luồn lách vào những nơi nước hẹp và cạn. Nó được gọi là chiếc vỏ lãi.

Đi qua vùng nước nổi mênh mông của tỉnh Đồng Tháp, trông những chiếc vỏ lãi, tắc ráng của bà con xuôi ngược trên biển nước bao la, không khỏi không nghĩ đến hai phương tiện giao thông đường thủy đó quan trọng với bà con thế nào. Nó trở thành chiếc xe vận tải nhỏ của mỗi nhà trên đường thủy mùa nước nổi. Có nó là có cả một tài sản quý giá, không ngừng sinh lợi để phục vụ cuộc sống bà con.


Ngồi trên tàu khách, trên xuồng, người ta có thể vừa làm vừa chơi. Thế nhưng không ai ngồi chơi trên vỏ lãi hay tắc ráng. Vỏ lãi, tắc ráng là những phương tiện làm nên cuộc sống, một cuộc sống rất hiện thực và rất cụ thể. Người ta dùng nó là để tranh thủ thời gian, đi tới nơi về tới chốn. Chẳng ai ngồi lên tắc ráng, vỏ lãi mà uống rượu và ca vọng cổ.

Vũ Đức Sao Biển

Be First to Post Comment !
Post a Comment

Custom Post Signature

Custom Post  Signature