Image Slider

Thursday, September 28, 2017

CHƯA LÀ MÙA THU



CHƯA LÀ MÙA THU 
thơ Từ Nguyễn

Chưa phải là mùa thu đâu anh
Dẫu bầu trời đã bềnh bồng màu mây trắng
Đôi khi giữa từng ngày đầy nắng
Lại chen vào mấy buổi chiều mưa!

Chưa phải thu về đâu anh
Lá có vàng cũng vẫn còn thưa thớt
Chỉ như mùa thu rớt
Tình cờ một thoáng, rồi phai...

Có những đêm, cánh cửa sổ quên cài
Gió ghé qua hiên, lùa vào, lật bật
Chút xao xác chợt xới lên rồi vụt mất
Còn đó hạ oi nồng cho đến tận sáng mai!

Chưa phải là thu phải không anh?
Khi chim Quyên còn gọi hè khắc khoải
Nếu đã vào thu, lá trên cành cũng mỏi
Run lòng rụng suốt đêm thâu!

Rồi thu sẽ sớm về thôi
Mặc anh và em có chờ hay chẳng đợi
Một mùa thu rất mới
Ôm trong lòng ngàn triệu hạt mưa Ngâu...

TỪ NGUYỄN




Sơ lược tiểu sử tác giả:

Từ Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt, sinh ngày 11-3 ở Huế, hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. 


GEN VIP

Sau khi một mệnh phụ phu nhân gần gũi chồng là quan đầu tỉnh, xảy ra cuộc đua tranh quyết liệt của lũ tinh trùng lao tới vây quanh cái trứng đang nằm chờ trong bụng bà mệnh phụ.
Một con đầu to xô văng tất cả, gào lên:
- Tránh ra, chỉ có ta xứng đáng gặp nàng! Chọn ta nhé!
Một con đuôi dài hổn hển theo sát:
- Đừng có mơ, ta mới đủ tiêu chuẩn giúp nàng thụ thai! Chọn ta mới đúng!
Thế là cả lũ chen lấn dẫm đạp, đấm đá nhau túi bụi. Cái trứng ngao ngán tự nhủ “Toàn một lũ trẻ trâu!”, rồi cất tiếng:
- Thưa các chàng tinh trùng. Các chàng đông như quân nguyên, mà em chỉ có một, nên các chàng làm khó em rồi! Các chàng cũng biết, sau khi em chọn được người phối ngẫu thì chúng ta sẽ giao hòa rồi từ đó tượng hình thai nhi. Do thai nhi này đã được quy hoạch một chức quan khá lớn cho tỉnh nhà nên đâu phải em muốn chọn ai cũng được, mong các chàng trật tự cho em chọn lựa...
Nghe thế, cả đám tinh trùng cùng gật gù:
- Phải phải, làm thế là... đúng quy trình!
Dù cả lũ tinh trùng đã cố xếp thành hàng, cái trứng nhìn trước ngó sau mãi vẫn chưa vừa ý ai. Chợt thấy có một chú tinh trùng không lẫn trong đám đông láo nháo mà cứ tà tà quẫy đuôi bơi tới bơi lui ở vòng ngoài, trứng bật hỏi:
- Này chàng kia, sao không xáp vào đây cho em chọn lựa?


Con tinh trùng nọ ung dung trả lời:
- Ta không thấy vui nếu được chọn làm lãnh đạo!
Cái trứng hớn hở reo lên:
- Đúng gien VIP mới phát biểu được như thế! Nào chàng ơi, lại đây với thiếp!
Người già chuyện
Theo: Người Đô Thị Online

"RƠI" VỚI DIỄM LIÊN TRÊN THUNG LŨNG CHẾT

Tối nay xem chương trình "Chuyện bên lề - 592" của MC Việt Thảo, đặc biệt giới thiệu về MV mới nhất mà ca sĩ Diễm Liên muốn tặng cho mọi người. Clip MV thật đẹp, thật tuyệt vời với cách dàn dựng của đạo diễn Lâm Nguyễn, bài hát của Hồ Hoài Anh qua giong hát Diễm Liên.

Hình ảnh thật đẹp cho tôi biết một phong cảnh tuyệt vời như vậy ở bang California với cái tên "Thung Lũng Chết" (Death Valley). Phần clip của Việt Thảo tôi sẽ post phía dưới, còn bây giờ thì chúng ta sẽ tìm hiểu một ít tư liệu về vùng đất này:


VẺ ĐẸP BÍ ẨN CỦA THUNG LŨNG CHẾT TẠI MỸ

Thung Lũng Chết không hẳn chết

NĂM 1848, người ta khám phá có vàng tại Sacramento, California, Hoa Kỳ. Cho đến năm sau, khoảng 80.000 người tìm vàng đã đổ xô đến tiểu bang đó, ao ước làm giàu nhanh chóng. Vào ngày 25-12-1849, một đoàn gồm khoảng 100 cỗ xe rời Salt Lake City đi về hướng tây, trong số đó có một nhóm tiến vào vùng mà ngày nay gọi là Death Valley (Thung Lũng Chết). Họ hy vọng vùng đất trũng, khô cằn gần biên giới hai tiểu bang California và Nevada sẽ là con đường tắt để đi.



Vào mùa đó, thời tiết mát mẻ nhưng địa hình thì nguy hiểm. Nhóm người này chia làm nhiều toán nhỏ, mỗi toán đi một đường. Một toán, gồm cả đàn bà và trẻ con, đã cố tìm cách băng qua những ngọn núi ở phía tây nhưng vẫn không tìm được đường ra khỏi thung lũng. Họ kiệt sức và đồ dự trữ lại cạn dần nên họ đóng trại bên dòng suối gần nơi mà nay gọi là Furnace Creek. Sau đó, họ di chuyển đến giếng nước mà về sau được đặt tên là Giếng Bennett. Từ nơi đó, hai thanh niên 20 tuổi là William Manly và John Rogers đã đi cầu cứu. Những người khác thì ở lại trại.



Manly và Rogers nghĩ rằng họ sẽ đến thành phố Los Angeles trong vòng vài ngày. Họ không ngờ là thành phố đó ở cách xa khoảng chừng 300 kilômét về hướng tây nam. Sau gần hai tuần đi bộ, họ đến thung lũng San Fernando, ở phía bắc của thành phố. Nơi đó, họ đã mua lương thực và đồ cần dùng rồi lập tức quay về.


Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng Chết hiện lên với vẻ đẹp bí ẩn của những cồn cát, miệng núi lửa cùng dòng sông khát ở nơi nóng nhất hành tinh. Nhiệt độ mùa hè tại đây lên tới 50 độ C.


Nhiếp ảnh gia và phi công Jassen Todorov cùng nhau thực hiện những bức hình ấn tượng về thung lũng Chết với góc nhìn từ trên cao.

Sau 25 ngày, hai người này về đến nơi và thấy cảnh vật im lìm như chỗ không người. Manly bắn một phát súng, một người đàn ông từ gầm cỗ xe chui ra. Sau này, Manly ghi lại: “Ông ta mừng rỡ reo lên: ‘Các cậu ấy đã về! Các cậu ấy đã về!’ ” Những người khác cũng chạy ra, xúc động đến nỗi không nói nên lời. Nhờ Manly và Rogers nên tất cả được sống sót, ngoại trừ một người đã bỏ đi để tìm đường ra khỏi thung lũng một mình. Khi đoàn người nhổ trại, một phụ nữ quay lại nói: “Vĩnh biệt Thung Lũng Chết!” Và từ đó “Thung Lũng Chết” đã trở thành tên của vùng.

Long desert highway leading into Death Valley National Park. Photo captured on Highway 374 just west of Beatty, Nevada on December 15, 2010
Vùng đất với nhiều thái cực

Thung Lũng Chết—dài khoảng 225 kilômét và rộng khoảng từ 8 đến 24 kilômét—là nơi khô nhất, thấp nhất và nóng nhất Bắc Mỹ. Nhiệt độ không khí tại Furnace Creek được ghi nhận là 57 độ C, trong khi nhiệt độ tại mặt đất lên đến 94 độ C—chỉ thấp hơn 6 độ so với độ sôi của nước ở ngang mực nước biển!


Biển báo dành cho khách du lịch đến công viên quốc gia Thung Lũng Chết: \”Bạn đang ở vị trí thấp hơn mực nước biển”.




Thung lũng Chết có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên 49 °C (vào ngày 10 tháng 7 mùa hè năm 1913 nhiệt độ đã đạt đến mức kỷ lục 56,7 °C).

Trung bình hàng năm, lượng mưa thấp hơn 5 centimét, có năm không mưa. Nơi thấp nhất của cả vùng Tây Bán Cầu (86 mét dưới mực nước biển) nằm trong thung lũng gần ao nước mặn ở Badwater. Cách đó chỉ 140 kilômét là Núi Whitney. Ngọn núi này cao 4.418 mét, là nơi cao nhất ở Hoa Kỳ, ngoại trừ Alaska.


Những khối đá đã trở thành tác phẩm điêu khắc khi bị ăn mòn, những hẻm núi, ngọn đồi đá với vẻ đẹp lộng lẫy, những ốc đảo xum xuê rất dễ dàng tìm thấy ở thung lũng Chết.

Đến năm 1850, người ta chỉ tìm được một ít vàng trong thung lũng tại Salt Spring. Những người đi tìm quặng cũng thấy có bạc, đồng và chì trong vùng đó. Những khu thị trấn mọc lên khắp thung lũng và mang những tên ngộ nghĩnh như “ễnh ương”, “nước xanh lục”, “nham thạch” và “mô-tô trượt tuyết”. Nhưng khi hết quặng mỏ, thì những thị trấn phồn thịnh này trở thành chốn không người. Tuy nhiên, vào năm 1880, chất borac—một hợp chất kết tinh màu trắng dùng trong việc sản xuất xà phòng và những sản phẩm khác—đã được tìm thấy tại Thung Lũng Chết. Sự kiện này đưa đến một thời kỳ khai thác mỏ phát đạt nhất trong lịch sử của thung lũng này. Đến năm 1888, những toán vận chuyển gồm 18 con la và 2 con ngựa kéo hai cỗ xe, mỗi cỗ dài 5 mét chở đầy chất borac đến thị trấn Mojave. Đó là một cuộc hành trình mệt nhoài dài 270 kilômét. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến tháng 9, không có chuyến hàng nào vì thời tiết quá nóng đối với người lẫn thú.



Thung lũng rất sâu và hoang vu, đáy là dòng sông cạn Amagesa với những cồn cát lởm chởm khắp nơi và giữa thung lũng là một quần thể cồn cát rộng khoảng 155km2, là nơi hoang vu nhất trong thung lũng.

Thung Lũng Chết được xếp vào danh sách di tích quốc gia vào năm 1933. Diện tích của nó dần dần được nới rộng đến 1,3 triệu hecta. Vào năm 1994, vùng này trở thành Công Viên Quốc Gia Thung Lũng Chết, công viên lớn nhất của lục địa Hoa Kỳ.

Thung Lũng Chết đầy sức sống

Nếu có ai nghĩ rằng Thung Lũng Chết là vùng đất chết thì cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hàng trăm loài thú đã sống hoặc ghé ngang qua vùng này, phần nhiều là loài sống về đêm vì nhiệt độ ban ngày rất nóng. Loài động vật lớn nhất trong vùng là cừu hoang (big horn sheep), có dáng vẻ rất hiên ngang. Đôi khi chúng đến từ vùng đồi núi xung quanh. Những động vật khác gồm có con lửng, dơi, linh miêu, chó sói, cáo, chuột kangaroo, beo núi, nhím, thỏ, chồn hôi, lừa thồ, thằn lằn, rắn và rùa sa mạc. Các giống chim thì có chim sâm cầm, diều hâu, diệc, cút, quạ, choắt, kền kền và hàng trăm loài khác.

Trong tất cả các loài động vật, chuột kangaroo có sức chịu đựng dai nhất. Chúng có thể sống cả đời mà không uống một giọt nước! Một sách tham khảo ghi: “Cơ thể những con chuột này có thể chuyển hóa chất bột và chất béo trong các thứ hạt khô thành nước mà chúng cần để sống”. Và thận của chúng cũng có thể chứa nước tiểu với nồng độ đậm gấp năm lần thận người. Những con chuột nhỏ này sống chui trong hố, và tránh sức nóng khắc nghiệt ban ngày bằng cách kiếm ăn ban đêm.


Những đụn cát ở thung lũng Chết từng được sử dụng làm bối cảnh trong “Chiến tranh giữa các vì sao”


Những mô đá lởm chởm đã tạo cho Zabriskie một hình ảnh đẹp ngoạn mục.

Hơn một ngàn loại thực vật khác nhau mọc đầy thung lũng này. Thổ dân Shoshones đã sống tại vùng đó hơn một ngàn năm. Họ tìm những loại cây để làm thức ăn và nguyên liệu để làm vật dụng. Theo họ, nếu biết cách thì bạn sẽ tìm được rất nhiều thức ăn tại Thung Lũng Chết.

Khi sa mạc nở hoa


Thỉnh thoảng, Thung Lũng Chết trổ đầy hoa dại thật đẹp mắt. Những bông hoa này mọclên từ vô số những hạt giống đôi khi nằm hàng chục năm trong lòng đất. Những hạt giống đó nằm chờ cho đến khi có đủ mưa và đúng nhiệt độ thì mới nảy mầm. Nhà thực vật học Tim Croissant, làm việc cho công viên quốc gia (National Park Service), đã nói: “Có khi nhiều năm, chúng tôi không thấy hoa gì cả”.

Visitors enjoy a carpet of blooms along the Beatty Cutoff as Death Valley’s wildflower super bloom continues on Sunday, February 28, 2016.
Cảnh tượng sa mạc nở hoa tuyệt đẹp ở thung lũng Chết cả thập kỷ mới xảy ra một lần đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên sửng sốt.

Nhưng vào mùa đông năm 2004/2005, Thung Lũng Chết được ghi nhận là có nhiều mưa nhất—hơn ba lần mức thông thường. Kết quả là có hơn 50 loại hoa dại nở rộ, gồm những loại như phi yến, tử đinh hương, phong lan, anh túc, anh thảo, hướng dương và cỏ roi ngựa. Một du khách nói rằng thung lũng đầy hương thơm như một cửa hàng hoa tươi! Dĩ nhiên, hoa thu hút ong và các loài côn trùng khác. Vì thế, khi Thung Lũng Chết trổ hoa, người ta cũng nghe tiếng đập của vô số đôi cánh nhỏ.


Sailing Stones

Một trong những bí hiểm khác của Thung lũng Chết là sự dịch chuyển của những tảng đá và vệt đường đi của chúng trên cát, dù không phải do áp lực của mưa, gió hay dòng nước.

Nếu có lúc nào đó bạn quyết định đi tham quan thung lũng với nhiều thái cực này, xin bạn nhớ đi bằng xe tốt và mang theo thật nhiều nước. Và nếu bạn đến vào mùa hoa nở, bạn nên mang theo máy ảnh. Gia đình và bạn bè của bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy hình ảnh vô số cây cỏ và thú vật sống trong Thung Lũng Chết.



Mặc cho khí hậu khắc nghiệt, cảnh quan tuyệt đẹp của Vườn Quốc gia Thung lũng Chết vẫn thu hút hàng ngàn người đi bộ, cắm trại và tới đây vãn cảnh mỗi năm.

Cá vùng sa mạc!

The endangered Salt Creek Pupfish in their bizarre habitat at the floor of Death Valley.
Tại Thung Lũng Chết có bốn loại thuộc một giống cá nhỏ và kỳ lạ mà người ta gọi là cá pupfish của sa mạc. Vào mùa đông, những con cá dài sáu centimét, màu ánh bạc này nằm im lìm trong lớp bùn dưới đáy những con lạch và vũng lầy. Rồi vào mùa xuân, mặt trời làm nước ấm lên, chúng bắt đầu hoạt động và sinh sản. Những con cá đực đổi sang màu xanh óng ánh, và chúng mãnh liệt chống lại những con cá đực khác để bảo vệ lãnh thổ của mình. Nhưng không lâu sau, sức nóng thiêu đốt của mùa hè làm cạn gần hết nước khiến cá pupfish chết hàng loạt. Những con còn lại thì phải sống trong môi trường nước rất mặn và nhiệt độ có thể lên đến 44 độ C.


MV "Rơi' của Diễm Liên

"Chuyện Bên Lề số 592" của Việt Thảo


TẠI SAO NGƯỜI CHÂU ÂU GỌI TRUNG QUỐC LÀ "CHINA"?

Nhiều bạn học tiếng Anh thấy từ "China" có nghĩa là Trung Quốc. Tại sao người châu Âu lại gọi Trung Quốc là China?

Danh từ China này có nguồn gốc từ đâu vậy?


Trong tiếng Anh, China vốn được phiên âm từ chữ "Xương Nam" (昌南) trong tiếng Hán. Xương Nam là tên trấn Xương Nam. thuộc tỉnh Giang Tây (江西省), tên cũ của trấn Cảnh Đức (景德镇), thủ đô của đồ sứ. Ngay từ đời Đông Hán, ở đây người ta đã nặn đất, rồi chặt cây nung đốt, chế tạo thành những đồ sành sứ.

Sang đến đời Đường, vì chất đất ở Cao Lĩnh tại trấn Xương Nam rất tốt, những người thợ lại học được cách làm đồ sứ màu xanh của đất Việt phương nam và màu trắng của đất Kinh phương bắc, cho nên đã sản xuất được đồ sứ có màu trắng xanh. Sứ trắng xanh tinh xảo, nhẵn mịn, được coi là có thể giả làm đồ ngọc. Vì thế được xuất khẩu rất nhiều sang thị trường châu Âu.


Trước thế kỉ XVIII, người châu Âu còn chưa biết làm đồ sứ, các sản phẩm đồ sứ của Trung Quốc, đặc biệt là các món hàng tinh xảo của trấn Xương Nam được người châu Âu hết sức ưa chuộng. Người châu Âu cảm thấy vinh hạnh khi có được một món đồ sứ sản xuất ở trấn Xương Nam, nên đã lấy từ Xương Nam để gọi "đồ sứ" (china không viết hoa) và đặt luôn thành tên gọi cho đất nước đã sản sinh ra đồ sứ (họ gọi Trung Quốc là China viết hoa).


Dần dà về sau người châu Âu quên cả nghĩa gốc của danh từ Xương Nam, mà chỉ cho rằng nó có nghĩa là Trung Quốc. Đó chính là nguyên nhân làm cho người châu Âu gọi Trung Quốc là China .

VƯƠNG THÁNH LƯƠNG
Ghi chú: Trong tự điển tiếng Anh
Chinaware: đồ sứ có chất lượng cao
Chinaman: người bán đồ sứ, sau này mới có nghĩa là người TQ.



Wednesday, September 27, 2017

"LOI CHOI SẢ ỚT" TRÀ VINH

Mình chưa từng nghe hay thấy qua con "loi choi", đọc xong bài mình có cảm tưởng như là con cá kèo hay cá thòi lòi nhưng không phài, lên mạng tìm kiếm một hồi thì cá kèo là cá kèo (mình đã biết), cá thòi lòi là cá thòi lòi (mình cũng đã biết) còn con loi choi là con loi choi (mình không biết và mới nghe lần đầu).
Con "loi choi"là một đặc sản của Trà Vinh , ngon lắm. Ngon như thế nào có lẽ phải về VN đi Trà Vinh mà ăn thử cho biết với người ta:
"LOI CHOI SẢ ỚT" TRÀ VINH
Loi choi có thân tròn như chiếc đũa, người ta thường ướp muối phơi dốt dốt rồi chiên sả ớt. Món này vô nhà hàng, gọi thử nhấm nháp với bia, rượu xong thì chẳng muốn gọi món gì nữa. Mua thì hiếm, nhưng đã là khách thì dân Trà Vinh đãi bạn không khách khí, chỉ với điều kiện đừng hỏi ai tìm ra món này. Bởi có nhiều người hỏi rồi mà chẳng ai có thể trả lời được, những ngư dân trên biển nói. Loi choi sống ở vùng giáp nước giữa mặn và ngọt, thoạt nhìn giống như lịch ở vùng nước ngọt, nhưng không có con nào lớn hơn ngón tay út, chúng dài từ 20 đến 40 phân, thân màu trăng trắng và trong suốt. Thông thường loi choi sống ở các bãi bùn ven sông hoặc bãi bồi ở các cồn đất mới nổi nước lợ. Từ xưa, ngư dân bắt loi choi chỉ để đãi khách quý, bây giờ thì có bao nhiêu các nhà hàng ở Trà Vinh “mão” hết.

Khô cá loi choi
Món loi choi còn tươi sống hoặc đã phơi khô mà đem nướng sơ qua lửa than thì không còn gì ngon hơn. Mỡ từ thân của chúng tươm ra thơm phức, cứ để nguyên con đã uốn cong vì mỡ nóng, đưa lên miệng cắn một miếng, vị béo của mỡ loi choi, hương thơm của sả ớt… nhai sớ thịt loi choi dai dai và một chút rượu nồng cay.


Tuy nhiên, ở vùng nước mặn này có một loài giống như loi choi, nhưng thân chúng lớn hơn, màu xám chứ không trắng như loi choi – ngư dân gọi là cà bấp. Khô loi choi và khô cà bấp rất giống nhau, nhưng loi choi không có xương nạng, còn cà bấp thì rất nhiều xương. Có nơi người ta cứ gọi bừa: ủng ỉnh. Nhưng ăn một lát cũng sẽ thấy loi choi.
Nguồn:SGTT

Ý NGHĨA HOA BẤT TỬ

Mấy hôm trước, tôi có giới thiệu cho các bạn biết về chùa Linh Phước (Chùa Ve Chai) ở Đà Lạt, trong đó có nói đến tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát được làm từ Hoa Bất Tử.
Tượng Phật này có cốt tượng làm bằng thép chịu lực, chiều cao khoảng 18m (gồm đế, thân tượng và hào quang), được thiết kế trong tư thế đứng trên toà sen, tay phải cầm bình cam lộ, tay trái cầm cành dương liễu, do 600 phật tử cùng 30 nghệ nhân của hai chùa Linh Phước và Linh Ẩn thực hiện.
Được biết, để dựng được bức tượng Phật này, các phật tử và nghệ nhân hai chùa phải sử dụng khoảng 600.000 bông hoa bất tử (tương đương với hơn 1,5 tấn hoa và nếu dùng hoa trải trên một mặt phẳng sẽ được một thảm hoa có diện tích gần 200m²), mất 20 ngày để kết thành bức tượng Phật.
Vậy các bạn có biết hoa Bất Tử là hoa gì không ? Tôi thì hoàn toàn không biết nên mới tìm hiểu. Thì ra loại hoa này đã thấy qua ở VN và ở Úc nhưng chỉ nghĩ nó là hoa Cúc dại. Ở Úc có rất nhiều loại hoa này ở dạng khô mà từ trước đến nay tôi cứ tưởng là người bán nhuộm màu vì có rất nhiều màu và màu rất tươi dù là hoa khô.
Bây giờ mời các bạn tìm hiểu đôi chút về loại hoa này:


HOA BẤT TỬ

Hoa bất tử, hay còn gọi là cúc bất tuyệt, tên khoa học Xerochrysum bracteatum, là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae). Người Hoa gọi là 蜡菊 (Lạp Cúc: cúc sáp), 不凋花 (Bất Điêu Hoa: hoa không tàn), 七彩菊 (Thất Thái Cúc: cúc bảy màu).

Tại Việt Nam được trồng phổ biến ở Đà Lạt, và tại đây nó được coi là biểu tượng cho tình yêu bất diệt. Hoa bất tử thường được các bạn trẻ tặng nhau để thể hiện tình yêu của mình. Những bông hoa bất tử nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc. Tuy bông hoa, những cánh hoa đã chết, song nó vẫn giữ được màu sắc ban đầu của mình. Chính vì điều ấy, bất tử được thể hiện như minh chứng của tình yêu vĩnh cửu.



Ý NGHĨA HOA BẤT TỬ - CÚC BẤT TUYỆT

Khi bạn được ai đó tặng cho một bó hoa (lẵng hoa) bất tử thì bạn nên hiểu rằng người đó muốn chứng minh tình yêu người đó dành cho bạn là "bất tử".

Hoa bất tử, hay còn gọi là cúc bất tuyệt, là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae). Hoa có nguồn gốc ở Úc, được gây trồng rộng rãi ở các tỉnh miền Bắc và vùng núi cao miền Nam. Cây Bất tử còn có tên như Bất tuyệt hay Cúc bất tử; Immortelle, Strawflower, Paper daisy, Everlasting.
Cây bất tử thân cỏ sống hàng năm, cao khoảng 0.5-1m, đôi khi phân nhánh, thẳng. Lá không cuống, dạng thuôn hình giáo, thu hẹp ở gốc, màu xanh mềm.



Cụm hoa hình đầu ở đỉnh thân, cành, đường kính 3-6cm, ngoài có nhiều lá bắc dạng vảy, cứng, khi khô khg héo và giữ được màu sắc (vàng, hồng, tím, trắng, đỏ,...) bền. Hoa bên trong hoàn toàn hình ống màu vàng nhạt hay hơi hồng.
Cây trồng chủ yếu bằng hạt, ươm gieo như các loại hoa Cúc. Hiện nay các nhà vườn tạo ra nhiều chủng có cụm hoa màu sắc hoa khác nhau, nếu trồng xen kẽ nhau hay xếp chung vào một bó, cắm lọ rất đẹp.
Bạn có thể khắc lên đó tên của bạn hay những ký hiệu của tình yêu nữa của bạn , chúng tôi chắc chắn rằng khi cầm trên tay món quà đầy ý nghĩa này, một nửa của bạn đã hiểu được tấm lòng và tình cảm của bạn dành cho người.



Để hiểu hơn về hoa bất tử các bạn có thể xem clip Tản mạn về hoa bất tử phía dưới.
(Sưu tầm trên mạng)





NÁI LÓI, NÓI LÁI!

Thầy tu thù Tây vì thằng Tây giết thầy tăng.

Tâm không đầy như Tây không Đầm

Nghệ sĩ tránh ăn cá kho vì sợ khó ca.

Người gian không thích sấm, người dâm không thích sáng.

Làm dấm thì chua mà làm chúa thì dâm.

Người nhiều mộng vào đời để rồi mời nhiều người vào động....

Nhà vua khi ngồi trên ngai là khi ngài trên ngôi.

Không nên giỡn quá lố trong ngày giỗ quá lớn.

Có những người chỉ đi mưa mà chưa đi Mỹ.-

Các cô thích anh chàng ngông mà không thích anh chồng ngang.

Da nhăn thì kéo, da nhéo thì căng.

Tham nhũng sống trên thảm nhung và mọi người giành nhau làm giàu nhanh.

Cây sầu đông mọc ở đồng sâu hay ở đầu sông.

Say để đỡ nhớ ngày xưa và đỡ ngứa nhờ say.

Chơi hụi thì chết, Chơi hết thì trụi.

Người lao động bao giờ cũng thiệt thòi so với người linh động, thí dụ:

Người lao động chân chính còn người linh động trân tráo.

Người lao động cầu kinh còn người linh động cầu cao.

Người lao động làm lính còn người linh động làm láo.

Người lao động hay bịnh còn người linh động hay bạo.

Người lao động cầm đinh còn người linh động cầm đao.

Tình em theo đám mây đen vì mình em theo đám Tây đen.



Không phải ăn cơm chay là thành thiền và ăn cơm chiên là thành thày.

Người già ngồi câu còn người giầu ngồi ca.

Nhiều người năng làm việc thiện mà không thiên làm việc nặng.

Cái gì thẳng thì không cong còn cái gì thỏng thì không căng.

Tình chan chứa là tình chưa chán.

Nhiều cô gái ngây thơ ôm mộng ban đầu để rồi ôm bầu đan mộng.

Từ đâu có chữ đầu tư?

Đàn ông có người trên răng dưới dế và có người trên dê dưới rắn.

Thà ăn cháo với muối còn hơn ăn chuối với máu.

Điếc không sợ súng mà Đúng không sợ siết.

Người có lông mép thường có mông lép.

Có nhiều người Mỹ lai gốc Á hơn người Mã Lai gốc Ý.

Vợ chồng vô sinh khi vợ đã tắt đường kinh hay chồng đã cắt đường tinh

Chuyện đau lòng nghĩ đi lại long đầu.

Củ không đứng vì cứng không đủ


Người Bắc nói "đang đi trên đường" Người Nam nói "đương đi trên đàng"

Người Bắc nói "hợp nhãn" Người Nam nói "hạp nhỡn"

Người đầy bạo tính thích người tình bạo đấy.

Người bí ẩn thường có ý bẩn

Có thánh tâm thì không có tánh thâm

Lời tạ từ của lính trong lời tự tình của lá

Dù chết không tấm hình nhưng tình không chấm hết

Bà đó chết vì bị bò đá.

Khanh Tran


TẢN MẠN RAU NHÀ QUÊ

Chẳng dám khái quát văn hóa hay nói đến những điều to tát về việc ăn rau (và phải là rau non) của người Việt, người viết chỉ đơn thuần ghi lại cảm nhận của mình. Qua đó, thấy thấp thoáng nét văn hóa miệt quê

Nhớ căn nhà hồi nhỏ ở quê, sao mà ăn rau trái thoải mái, không phải mua, càng không phải lo lắng về thuốc men gì cả! Ở nhà quê chẳng bao giờ đổ rác, mỗi nhà đào một cái hố, hất rác xuống đó, lâu lâu đốt một lần. Tôi nhớ có lần không hiểu sao bố tôi bỏ cái hố rác cũ, ông đào một cái hố mới sau nhà. Cả nhà chẳng để ý gì cho đến lúc hai chị em tôi chơi trốn tìm, vừa vén mớ cỏ lau, tính ngồi thụp xuống hố rác cũ thì đứa em la làng lên. Tôi chạy tới, và đập vào mắt tôi là một cảnh tượng hết sức bất ngờ: cuộn đầy dưới hố rác là rất nhiều đọt bí rợ, khoảng 5,6 trái bí còn xanh nằm như mấy chú heo con mũm mĩm, bông bí thì vàng ươm, cả bông đực lẫn bông cái. Hôm đó, tôi hái được cả rổ bông, hôm sau mẹ còn hái đọt bí xào tỏi. Bố giải thích là do mẹ bỏ ruột bí cũ xuống hố, trúng trái bí già nên mọc lên thành cây. Với cái "hầm bí" ấy mà nhà tôi nhiều lần được thưởng thức món bí ngon ngọt.



Món hiếm ở phố


Ở thành phố chắc khó ai được thưởng thức món đọt bí đao xào, loại có trái bí non xào kèm ăn vừa giòn vừa ngọt. Món này hiếm lắm! Vì trái bí ấy để nuôi là thành một trái bí lớn, bán bằng tiền cả mớ đọt. Thật ra, một cây nhiều trái quá cũng chậm lớn, bứt bớt cho cây khỏe nhưng không phải ai cũng có cái may được thưởng thức của hiếm này. "Người thành phố" có tự hào đến mấy về đời sống vật chất thì vẫn thua "người nhà quê" từ mớ rau, con cá. Ở nhà quê tôi còn biết món này, bảo đảm thành phố khó kiếm lắm! Đó là món bánh xèo tép mộng dừa. Gần nhà tôi là một nhánh sông nhỏ, bố tôi làm cái giậm bắt tép. Thả xuống, kéo lên, thế nào cũng có mấy chú tép trứng xanh lè nhảy lách tách trong đó! Chừng một buổi là được lưng tô tép. Bột bánh xèo ra bà Ba xay cối đá đầu ngõ.



Kế bên nhà tôi là vựa dừa khô ông Sáu. Chiều chiều, con nít ra cầu tàu coi thảy dừa từ ghe lên bờ như coi xiếc. Mộng dừa chính là mầm của cây dừa, mọc trong trái dừa khô già. Mộng non trắng đục ăn ngọt lịm, mộng càng già lớn càng bốp xốp và trở màu vàng. Muốn có bánh xèo mộng dừa phải liên hệ ông Sáu, ông kiếm cho mấy trái dừa già, lấy cái mộng ra xắt mỏng đổ bánh xèo tép, ngon ơi là ngon! Vậy chứ ăn nhiều mộng dừa cũng say mòng mòng nhé! Ăn sơ sơ chơi thôi! Có lần, bố tôi có khách đến chơi, mẹ mua mớ cá he về kho lạt, kho nước dừa cho xương xẩu mềm rục hết rồi chấm kèm mớ rau ghém tự chế: đọt xoài, mộng dừa xắt mỏng, hoa chuối, lá đinh lăng, bông khế với mớ rau thơm quơ quào sau vườn, vậy mà bạn bố cứ khen ngon nức nở.


Đói ăn rau

Với ông bà ta xưa, câu "đói ăn rau, đau uống thuốc" dường như cũng chẳng trúng mấy! Tôi nhớ tam phen tứ bận mấy chị em tôi bị đè ra chữa bệnh bằng các loại cây cỏ. Có lần, mấy chị em tôi bị bệnh ho gà, không biết nghe sao mà mẹ tôi suốt ngày đi kiếm rễ tranh về nấu nước uống, may mà thứ ấy cho chút đường vào cũng ngọt và thơm nên không đến nỗi. Còn đứa nào vô phúc nổi lên một cục mụn đinh trên đầu, thế nào cũng bị giã lá cỏ mực đắp lên. Cái cây cỏ mực nhỏ xíu, lá xanh, bông trắng mà sao giã ra thì đen thui. Đau vì nổi mụn thì ít mà xấu hổ vì xanh lè thì nhiều!


Tôi nhớ lúc còn nhỏ thường đi theo cậu vô rừng bắn chim, lúc về thế nào cũng hái cho ngoại một ôm rau sâm đất và cây tàu bay. Cây tàu bay lá xanh như rau thơm, dày dày, mùi hăng hắc, tôi không thể nào ăn được. Nhưng cũng như cái đắng của khổ qua, cái thơm của sầu riêng, người nào mê thì ghiền. Cây sâm đất mọc đầy ở các vùng ven rừng, hơi ẩm, có những vạt đất đầy hoa sâm, nhìn rất đẹp. Rau sâm đất luộc hay nấu canh tôm thịt đều ngon. Luộc chấm nước cá kho là trôi cơm lắm!


Sống ở thành phố, tôi quen rau muống, rau cải, xà lách... Một ngày, bỗng dưng bố mất, tôi về quê mua miếng đất nhỏ, cất nhà gần mộ ông. Xung quanh chẳng làm gì, cỏ dại mọc chen mấy thứ cây dại. Đắng lòng, tôi cũng chẳng để ý xung quanh. Mùa mưa thứ hai, tôi như thoát ra khỏi nỗi đau lòng mình. Về thăm mộ bố, tôi chợt giật mình nhận ra thiên nhiên ưu đãi, bỗng nhớ rằng "mình đang ở quê!". Vạt đất nhà tôi mọc đầy lá lốt. Buổi sáng, người hàng xóm bước qua xin vài cây sả, tôi chợt thấy quanh vườn nhà mình, từng bụi sả xanh um. Cây lạc tiên, thứ rau bài thuốc bán mấy chục ngàn một kg ở siêu thị - mọc leo đầy trên dây kẽm quanh nhà. Đọt non lên xanh mướt. Trái lạc tiên chín vàng ăn ngon ngọt, hột lại giòn giòn thơm như trái dưa tây. Kế bên nhà tôi có miếng ruộng nhỏ, lúc cất nhà, tôi quăng mấy tấm lá dừa khô xuống đó. Mùa mưa đến, nước dâng lên lúc nào chẳng hay. Đứa em lội xuống kéo tấm lá dừa ra, bỗng ồ reo lên như ngày xưa thấy bí mọc đầy hố rác: dưới tấm lá dừa cơ man nào là cua, ốc và cá lóc con. Tôi nhớ bố, nước mắt dâng trào. Bắt một thùng cua, tôi tính ra chợ mua ít rau nấu canh. Mẹ cười bảo "ở quê mà mua rau gì?". Hái mấy đọt lạc tiên, vài cọng rau dền, ít rau muống trên mặt ao, vậy thôi là có một nồi canh cua tập tàng ngon ngọt. Mưa như một bà tiên, dùng chiếc đũa thần quét qua vùng đất hoang làm mọi vật thay đổi hẳn. Tối đó, nhà tôi có món ốc hấp lá ổi và sả ớt.


Tôi đi dạo trên con đường quê, thấy lòng nhẹ như tênh. Tôi thấy mình vẫn sống ở quê với bố như những ngày thơ. Hai bên đường, nhà ai cũng có một hàng rào rau: đậu đũa lúc nào cũng ra một cặp; đậu rồng hoa tím, trái xanh nhìn rất dễ thương; mồng tơi trái nhỏ li ti, hồng hồng tím tím; sau vườn là dăm cây ớt, vài bụi bạc hà... Tôi nhớ bố nói "người nhà quê trồng rau ngay hàng rào là để chia sẻ, hàng xóm cần cứ qua bẻ về ăn" nếu thế thì "người thành phố" còn lâu mới theo kịp người quê bố nhỉ!

Khánh Vân
Theo Món Ngon Việt Nam


CHIẾT TỰ (折 字) THEO PHONG CÁCH VIỆT NAM

Bài viết sau đây được Ngọc Sắc sưu tầm trên mạng và đăng trên Ngọc Sắc Blog với chủ trương: Cứ viết...ai đọc thì đọc! Công của NS bỏ ra rất nhiều nên muốn share lại để mọi người ai thích thì đọc, không thích thì bỏ qua
MỘT SỐ CÂU CHIẾT TỰ CHỮ HÁN
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.
(Chiết tự chữ đức 德)
Cô kia đội nón chờ ai
Hay cô yên phận đứng hoài thế cô.
(Chữ an 安)
Đấm một đấm, hai tay ôm quàng
Thuyền chèo trên núi, thiếp hỏi chàng chữ chi ?
- Lại đây anh nói nhỏ em nì
Ấy là chữ mật một khi rõ ràng.
thuyền chèo là dáng dấp của chữ tất 必, thuyền chèo trên núi, trên chữ sơn 山 có chữ tất 必. Ghép lại chúng ta được chữ mật 密 (bí mật, rậm rạp) (Chiết tự dựa vào hình thể).Đấm một đấm hai tay ôm quàng là dáng dấp của bộ miên
Hay như:
Hai người đứng giữa cội cây,
Tao chẳng thấy mày, mày chẳng thấy tao.
Đó là hình chữ lai 來. Chữ lai 來 có hình hai chữ nhân 人 ở hai bên, chữ mộc 木 ở giữa. Thực ra hai chữ nhân 人 này vốn là tượng hình hai cái gai. Lai 來 là tên một loại lúa có gai, sau được dùng với nghĩa là đến. (Chiết tự về mặt hình thể).
Ba xe kéo lê lên đàng, âm vang như sấm.
Đó là chữ oanh 轟. Chữ oanh được viết với ba chữ xa 車 và có nghĩa là “tiếng động của nhiều xe cùng chạy”. (Chiết tự về mặt ý nghĩa).
Tây quốc hữu nhân danh viết Phật,
Đông môn vô thảo bất thành “lan”.
Câu trên có thể dịch là: “Nước phương Tây có người tên là Phật”. Phật Thích Ca là người Tây Trúc (ấn Độ) so với nước ta thì ở phương Tây, chữ Phật được viết với chữ nhân 亻đứng cạnh chữ tây 西 trên chữ quốc 國. Chữ này không thấy có trong các từ điển, tự điển của Trung Quốc (như Khang Hy tự điển, Từ nguyên, Từ hải…) nhưng có mặt trong một số câu đối tại các chùa Việt Nam.


Câu dưới có nghĩa: “Cửa phía Đông không có cỏ không thành lan”. Chữ lan 蘭 (hoa lan) được viết: thảo đầu 艸 (cỏ), ở dưới là chữ lan 闌 (lan can) gồm chữ môn 門 (cánh cửa), bên trong có chữ đông 東 (phương Đông). Trong cách viết chính quy phải thay đông 東 bằng giản 柬 (Chiết tự về mặt ý nghĩa).
Con gái mà đứng éo le,
Chồng con chưa có kè kè mang thai.
Đây là câu đố chiết tự chữ thủy 始. Chữ thủy 始 vốn là một chữ hình thanh, có chữ thai 台 chỉ âm, chữ nữ 女 (con gái) nói nghĩa.
Anh kia tay ngón xuyên tâm.
(Chữ tất 必)
Mặt trời đã xế về chùa.
(Chữ thời 時)
- Có tú mà chẳng có tài,
Cầm ngang ngọn giáo, đâm ngoài đít dê. (Chữ hy 羲)
- Chữ lập đập chữ viết, chữ viết đập chữ thập. (Chữ chương 章)
- Đất thì là đất bùn ao,
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.
Con ai mà đứng ở đây,
Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào. (Chữ hiếu 孝)
- Một vại mà kê hai chân,
Con dao cái cuốc để gần một bên. (Chữ tắc 則)
- Nhị hình, nhất thể, tứ chi, bát đầu,
Tứ bát, nhất bát phi toàn ngưỡng lưu. (Chữ tỉnh 井)
- Đóng cọc liễn leo, tả trên nhục dưới, giải bơi chèo. (Chữ tùy 隨)
- Đêm tàn nguyệt xế về Tây,
Chó sủa canh chầy, trống lại điểm tư. (Chữ nhiên 然)
- Con dê ăn cỏ đầu non,
Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi. (Chữ mỹ 美)
- Thương em, anh muốn nên duyên,
Sợ e em có chữ thiên trồi đầu (Chữ phu 夫)
- Khen cho thằng nhỏ có tài,
Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm. (Chữ dũng 勇)
- Thiếp là con gái còn son,
Nếp hằng giữ vẹn ngặt con dựa kề. (Chữ hảo 好)
- Ruộng kia ai cất lên cao,
Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời. (Chữ tư 思)
- Đất cứng mà cắm sào sâu,
Con lay chẳng nổi, cha bâu đầu vào. (Chữ giáo 教)
- Em là con gái đồng trinh
Chờ người tuổi Tuất gá mình vô em. (Chữ uy 威)
- Ông thổ vác cây tre, đè bà nhật. (Chữ giả 者)
- Đất sao khéo ở trong cung,
Ruộng thời hai mẫu, bờ chung ba bờ. (Chữ cương 疆)
- Muốn cho nhị mộc thành lâm
Trồng cây chi tử tiếng tăm lâu ngày. (Chữ tự 字)
- Hột thóc, hột thóc, phẩy đuôi trê,
Thập trên nhất dưới bẻ què lê. (Chữ pháp 法)


竞: cạnh tranh, thi đua. Chữ phồn thể là: 競: Nếu viết người ta sẽ thể hiện 1 chữ cao, 1 chữ thấp ,2 người không ngừng cạnh tranh nhau (Vd: anh cao, tôi cao…)
然: Đầu tiên là bộ nhục là thịt, bên cạnh là chữ khuyển đặt trên bộ hỏa: Nghĩa là thịt chó nướng.. 哈哈
泰: Trên là nửa chữ Xuân, phía dưới là bộ thủy: Nước mùa xuân thể hiện sự yên bình,tốt đẹp: 否极泰来
爱:Khi chuyển sang giản thể đã làm mất đi nhiều ý nghĩa của tình yêu. Vốn dĩ chữ phồn còn có thêm bộ tâm 愛: bắt đầu bằng tình bạn rồi đến yêu thương, cùng nhau vượt qua gian khó(bộ trảo cào vào trái tim) vì tình yêu không thể thiếu cái gọi là đau khổ. Nếu để giản thể sẽ được hiểu là hai người bạn, rủ nhau vào trong nhà, cào cấu lẫn nhau—> tình yêu.
闹: Trước cửa nhà là cái chợ–> ồn ào
吉:Mồm kẻ sĩ khi đã nói là phải nói ra những điều hay lẽ dẹp(吉祥)。
娱:Đằng trước là bộ nữ, phía sau là chữ 吴(无). Nơi nào không có phụ nữ là mất vui(娱乐)。
奸:Những gì mà phụ nữ làm đều không đáng tin.
伪:Những gì con người làm ra (Không thuộc về tự nhiên) đều kém chất lượng.(伪劣)
崩:Núi mà đè lên thịt thì… 天崩地裂
Chó nhà 犭 cùng với chó ta 犬
Hai con nói chuyện 言thì ra chữ gì?
Thì ra chữ này : 獄 (狱)
Một người 人 đi trước,
một người 人 theo sau,
giữa là khoảng lặng,
xôn xao tình đầu…
Chữ: 从
Thế gian cũng lắm sự hài
Dưới cây(木) đốt lửa(灬)người tài ló ra!
Chữ: 杰
Tựa cây (木) mỏi mắt (目) chờ mong
Người nơi xa ấy trong lòng (心) có hay?
Chữ: 想
欽:Nghìn vàng có thiếu chi đâu
奉: Ba người cưỡi một con trâu không sừng
如: Thân em là gái nửa chừng, không răng có miệng xin đừng đắn đo
來: Hai người tựa gốc cây đa, quay đi ngoảnh lại hóa ra ba người…


Lượm lặt vài cái nữa:
Nhà tôi hăm mốt (廿) miệng ăn (口),
Núi Bắc (北)đã lở, đá lăn bốn hòn (灬)
Chữ Yến 燕
Tiếng khuyển犬 hai mồm口 nghe thảm khốc 哭
Thiên 天không sáo竹 trúc tiếu笑 trần gian.
Là chữ Khốc哭
và chữ Tiếu笑
Chó nhà 犭 cùng với chó ta 犬
Hai con nói chuyện 言 dưới nhà thợ sơn (山)
Chữ Nhạc 嶽
Cỏ gì (艹) mà mọc trên xe (車),
Lúc đi, lúc đứng (辶), tiếng nghe thơm lừng
Chữ Liên 莲
Cây chôn dưới ruộng ăn ngay được 果
Lửa đốt dòng sông thế mới gay 災(灾)
Con lợn này giỏi quá ta,
Nằm dưới mái nhà học sách tam thiên
宀 Bộ miên (mái nhà)
豕 Thỉ: con lợn
家 Gia: nhà
Đất sao khéo ở trong cung,
Ruộng thời hai mẫu, bờ chung ba bờ.
疆: Chữ Cương
Hỡi anh cắp sách đi thi.
Ba xe chập lại chữ gì hỡi anh?
轟 (轰)
Tai nghe mồm nói đít làm vua
Chữ:聖(圣)
Chữ “Trung” giữ lấy làm đầu
“Nhất” lòng gìn giữ một màu không phai
người sang-trọng, kẻ trang-đài
anh đồ, em hỏi hình-hài chữ chi?
Chữ:貴
囡 nan
Bốn bên bốn bức tường cao
Không trai lọt vào gái chẳng cô đơn
Hay

Bốn bên bốn bức tường rào
Trai không lọt vào sao lại có con


Và sau cùng các bạn cùng đọc và suy ngẫm bài thơ ” Chữ Điền ” của Tiên Sinh Trần Nhưỡng để thấy vẻ đẹp của Hán tự :
《田字诗》是陈襄生前创作的。他在宋代被称为福州“海滨四先生”之一,是一位著名的理学家.《田字诗》由于其富含哲理,几百年来一篇一咏,脍炙人口。
诗曰:
昔日田为富家足,今日田为累字头;
拖下脚来为甲首,伸出头来不自由。
田安心上常思想,田在心中虑不休;
当初只望田为福,谁知田多垒垒愁。
Tích nhật điền vi phú gia túc
Kim nhật điền vi luy tự đầu
Tha hạ cước lai vi giáp thủ
Thân xuất đầu lai bất tự do
Điền an tâm thượng thường tư tưởng
Điền tại tâm trung lự bất tu
Đuơng sơ chỉ vọng điền vi phúc
Thùy tri điền đa lũy lũy sầu.
Bài nay do ngocsac sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet.



Tuesday, September 26, 2017

HOA BẤT TỬ CỦA TÔI

Trung Thu năm nào tôi cũng post bài nhắc các bạn. Năm nào cũng vậy, vậy mà tôi nhớ nhất là Trung Thu 2015 khi trước đó tôi đã đọc và post cho các bạn biết về loài "Hoa Bất Tử". Tôi nhớ mãi vì năm đó lần đầu tiên tôi biết và mua "Hoa Bất Tử" về cúng trăng.

Năm nay, nhắc các bạn Trung Thu sẽ vào ngày thứ Tư 04/10/2017, nếu thích bạn nên tìm mua "Hoa Bất Tử" về cúng trăng như tôi vì cho tới bây giờ những bông hoa đó tôi để trên bàn thờ Quán Thế Âm vẫn tươi như ngày nào.

HOA BẤT TỬ CỦA TÔI (2015)

Hôm nay rằm tháng 8, thân chúc các bạn và gia đình một mùa Trung Thu hạnh phúc, dồi dào sức khỏe.

Cũng như mọi năm, tôi đã chuẩn bị mua trái cây, bánh để đến tối nay cúng Trăng nhưng chưa mua hoa vì 2 ngày nay Melbourne nắng ấm nên sợ héo.



Hồi nãy, cùng bà xã đi Dandenong Plaza mua hoa, tới gian hàng hoa, đủ thứ nhiều quá. Mọi năm thì mua hoa Ly, Lan hoặc Cẩm Chướng, bà xã tôi lựa, còn tôi đi xung quanh ngắm hoa. Tình cờ trong một góc vắng có một xô hoa cúc đủ màu, tôi đến cầm lên bó hoa Cúc thật lớn. Tôi thật cảm động khi cầm trên tay một bó hoa "Bất Tử". Bà xã tôi đến rờ vào những đóa hoa hỏi tôi: "Bông thiệt hay giả sao mà sộp sộp như giấy vậy ?". Tôi nói; "Hoa Bất Tử đó em" và quyết định mua. Rẻ lắm một bó lớn thật lớn chỉ có 5 đô.

Tối nay lần đầu tiên trong đời, tôi có một bình "Hoa Bất Tử" để cúng Trăng.

(LKH)

Custom Post Signature

Custom Post  Signature